Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Bài toán kinh tế nuôi trùn quế trong rừng cao su

Tóm tắt chi phí đầu tư cho mô hình nuôi trùn quế trong rừng cao su

Mô hình đầu tư nuôi trùn quế trong rừng cao su, lợi dụng bóng mát của tán cây cao su để làm trại đơn giản bằng vật liệu bạt và cây tầm vông thời gian khấu hao từ 2-3 năm.

-->Chi phí thuê đất: 10 triệu/ha 1 năm. 1 ha nuôi được 20-25 trại trùn 50x1.7m.

-->Chi phí vật liệu dựng trại: 3.5 triệu/trại. 1 trại nuôi trùn làm bằng mái che bạt, lót đáy bạt, khung làm bằng cây tầm vông tốn tiền vật liệu khoảng 3.5 triệu/trại 50x1.7m.

-->Công dựng trại: 600,000đ/trại.

-->Chi phí xây dựng hồ chứa phân: 1.2 - 1.5 triệu/hồ, 1 hồ chứ phân có thể cung cấp thức ăn cho khoảng 5 trại.

-->Xe đẩy phân: đóng mới 1.8 triệu/xe.

-->Chi phí khác như khoan giếng nước, câu điện, mua máy bơm nước, dây ống dẫn nước.

-->Chi phí con giống: 2 triệu/tấn sinh khối, 1 trại 50x1.7m cần đổ khoảng 3 tấn giống sinh khối để nuôi.

Chi phí hoạt động:

Khi đi vào hoạt động, chi phí hàng tháng mà chủ trại trùn phải chi ra là mua phân cho trùn ăn và trả tiền điện bơm nước.

Phân bò mua với giá 600 ngàn/xe 1 xe hơn 2 khối phân, là phân bò sữa, xe máy cày chở phân đổ trực tiếp vào hồ chứa phân của người nuôi trùn. 1 tháng 1 trại trùn ăn hết khoảng 2 xe-3xe tùy theo kỹ thuật nuôi của từng người. Cho trùn ăn nhiều thì thu trùn thịt được nhiều, quá trình nuôi cực hơn. Cho trùn ăn ít thì thu trùn thịt ít, nuôi khỏe hơn. 1 xe phân bò kiểu này sau khi cho trùn ăn sẽ cho ra 1 tấn phân trùn quế tươi độ ẩm 60-80%.

Doanh thu:

-->Doanh thu từ bán trùn thịt:

Trùn mới sang giống lần đầu nuôi sau 2 tháng thì thu hoạch trùn thịt, các lần thu hoạch tiếp theo cách nhau khoảng 35-45 ngày. 1 trại trùn dài 50m ngang 1.7m thu được khoảng 50kg-100kg tùy theo kỹ thuật chăm sóc và độ siêng năng của từng người. Nếu ta nuôi chăm chỉ cho trùn ăn thường xuyên, thu hoạch được 70kg là điều bình thường dễ làm được. Giá trùn thịt dao động tùy thời điểm từ 20-50 ngàn/kg, giá thời điểm hiện tại (ngày 31/5/2018) tại Củ Chi là 42,000đ/kg.

-->Doanh thu từ phân trùn quế:

Trại nuôi 4-6 tháng kể từ ngày thả giống thì có thể thu phân, cứ 1 xe phân bò đưa vào trại cho trùn ăn sẽ thu được 1 tấn phân trùn. Giá phân trùn dao động hiện nay từ 1000đ-1150đ/kg. Bán cho công ty thu tiền liền thì 1000đ/kg, có chỗ công ty thu mua với giá 1150đ/kg là vì người ta mua nợ.

1 số thông tin khác

---Khi bạn xuất bán phân trùn quế, bạn tốn chi phí khoảng 200,000đ/tấn để mua bao đựng phân, thuê mướn lao động xúc phân, vận chuyển, bốc vác lên xe.

---Nếu bạn không tự cho trùn ăn được thì có thể thuê người cho ăn với giá 30,000đ/lần/trại.

---Nếu bạn thuê người thu hoạch trùn, bạn phải trả 200,000đ/1 lần bắt cho 1 trại.

---1 người sức khỏe bình thường dành toàn bộ thời gian ban ngày cho công việc nuôi trùn có thể nuôi được 12-16 trại.

Những số liệu mà tôi đưa ra trên đây là thực tế mô hình nuôi trùn trong rừng cao su tại Củ Chi. Dựa vào các số liệu này, bạn có thể tính toán bài toán nuôi trùn quế cho riêng mình.

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2018

Cập nhật giá trùn quế thịt và phân trùn quế


Ngày 28/5/2018: Tại Củ Chi, giá của người nông dân xuất bán cho thương lái.

Giá trùn thịt thương phẩm: 42,000đ/kg

Giá phân trùn quế: 1,150đ/kg. Giá trên đã bao gồm tất cả chi phí bốc xếp hàng hóa lên xe. Phân trùn quế tươi mới lấy ra từ trại độ ẩm cao.

Kỹ thuật nuôi trùn quế trong rừng cao su

Nuôi trùn quế gồm 1 số kỹ thuật cơ bản sau:

1. Dựng trại, xây hồ chứa phân

2. Thả giống
 
3. Cho ăn

4. Thu hoạch trùn thịt

5. Thu hoạch phân trùn

6. Sang giống
......................................................

1. Dựng trại bạt trong rừng cao su:

Ở đây tôi nói về mô hình nuôi trùn quế trong rừng cao su. Mô hình lót bạt lợp bạt, chi phí đầu tư ban đầu thấp tầm 3.5 triệu tiền vật liệu 1 trại 50x1.7m. Khung làm bằng cây tầm vông liên kết với nhau bằng đinh, bạt liên kết với khung bằng kim bấm gỗ.

Vật liệu chuẩn bị gồm:
 
- Bạt che mái (khoảng 1.4 triệu 1 tấm): dùng loại bạt tốt chất liệu HDPE hoặc bạt nhựa khổ 3x50m.

- Bạt lót đáy (khoảng 400 ngàn 1 tấm 3x50m): dùng loại bạt sọc rẻ tiền để tiết kiệm chi phí, nhớ đục lổ để thoát nước, sau này cho ăn nước sẽ thoát qua những lổ này ra ngoài để trại trùn giữ được độ ẩm cần thiết tránh trường hợp nước tích tụ qua nhiều lần cho ăn ko thoát được làm tăng độ ẩm trại trùn dẫn đến hư kén trứng không nở được.

- Tầm vông: khoảng 1.2 triệu/trại, tùy độ dài và chất lượng cây tầm vông, 1 trại cần 50-70 cây, giá dao động 14-20 ngàn 1 cây.

- Kim bấm gỗ: giống giống cái bấm vở hay dùng.

- Đinh: 4, 5, 6.

Dụng cụ làm trại trùn gồm: búa lớn đóng tầm vông, búa nhỏ đóng đinh, bấm kim, cưa.

Tiến hành dựng trại

Chọn nơi dựng trại: trại dựng trong rừng cao su, lựa nơi cao ráo, thoát nước tốt và không bị ngập nước vào mùa mưa. Dọn dẹp cây cỏ lớn để sau này dễ lót bạt, san bằng mặt đất.
Khung trại được dựng như hình bên dưới: 
























Trong đó:

- Cây màu vàng dài 2m

- Cây màu đỏ dài 1.7m

- Cây màu tím dài 60cm đóng xuống đất 20cm, ở trên còn 40cm

- Cây xanh lá dài 1.7m đóng xuống đất 20cm còn ở trên 1.5m

- Cây xanh dương dài 2.3m

Dựng xong khung tầm vông như trên ta lót bạt đáy và lợp bạt mái là xong 1 trại nuôi trùn quế trong rừng cao su rồi.

Thông thường trại như thế này sẽ dùng được 3 năm, hết năm thứ 2 cây bắt đầu hư phải thay lại chút ít.

Xây hồ chứa phân:

Mục đích của hồ chứa phân là để ngâm phân bò sữa với nước cho phân nở nhuyễn ra trước khi cho trùn quế ăn sẽ hiệu quả hơn.

Một hồ chứa phân dùng cấp thức ăn cho 5 trại trùn cần có thể tích > 5 m3 (mét khối).

Hồ xây bằng 1 hàng gạch đơn không cần tô, đáy hồ tráng nền để cách ly đất cát, tránh thoát nước. Chiều cao hồ chứa phân khoảng 4 lớp gạch xây nổi trên mặt đất không cần thiết phải đào xuống đất.

Vị trí xây hồ đảm bảo gần trại trùn để giảm công đẩy phân cho trùn ăn và cũng cần thuận tiện để xe cấp phân bò có thể đổ phân thẳng vào hồ tránh phát sinh thêm chi phí.

2. Thả giống:

Có 2 cách thả giống để bạn lựa chọn tùy theo sự lựa chọn nào phù hợp với các bạn. Gồm thả giống trùn thịt và thả giống sinh khối.

---->Thả giống trùn thịt tức là chúng ta mua giống chỉ gồm trùn thịt, không có sinh khối. Trong trường hợp này cần phải có chất nền (môi trường sống của trùn) để thả trùn vào, chất nền yêu cầu phải tơi xốp, giữ ẩm tốt và không độc hại. Phân bò đã ủ hoai là 1 ví dụ. Ưu điểm của thả giống kiểu này là giá đầu tư con giống rẻ hơn so với thả giống bằng sinh khối, nhưng trùn thịt không vận chuyển đi xa được. Thả giống kiểu này trùn thay đổi môi trường sống nên cần thêm thời gian để thích nghi, sau đó trùn mới bắt cặp với nhau để đẻ và cần thời gian cho kén trứng nở, lâu có trùn con, lâu thu hoạch hơn so với thả giống sinh khối.

Cách thả: Bốc từng cụm trùn thả vào chất nền đã tạo sẵn, trùn sẽ chui xuống chất nền và ở trong đó. Tùy điều kiện của mỗi người mà thả nhiều hay ít, thả nhiều tốn nhiều tiền thì nuôi mau có kết quả và ngược lại.

---->Thả giống sinh khối:

Giống sinh khối bao gồm trùn thịt, phân trùn, kén trứng, trùn con. Chỉ cần lấy giống chỗ này đem qua chỗ khác để nuôi, không cần chất nền nữa. Giá đầu tư giống sinh khối thường cao hơn nhưng thả giống kiểu này có nhiều ưu điểm hơn như: trùn ko cần thêm thời gian thích nghi; trong sinh khối có sẵn trứng kén sẽ nở ra trùn con nên nuôi nhanh cho thu hoạch hơn, giống sinh khối vận chuyển đi xa được; vận chuyển đi xa trùn ít bị tổn thương.

Cách thả: Lựa chọn trại giống gần đến ngày thu hoạch trùn để yêu cầu lấy giống sinh khối (khi gần thu hoạch trùn thịt trong sinh khối sẽ nhiều nhất), thả 20-30kg/m2, thả nhiều sinh khối thì nuôi nhanh thu hoạch hơn.

3. Cho ăn:

Ở Củ Chi mọi người thường nuôi trùn quế bằng nguồn thức ăn chủ yếu là phân bò sữa, vì bò sữa ăn nhiều cám nên phân bò sữa có nhiều chất dinh dưỡng tốt hơn để nuôi trùn quế.

Phân bò sữa đem về đổ vào hồ, bơm nước vừa ngập phân để qua 1 đêm cho phân nở nhuyễn ra cho trùn ăn sẽ tốt hơn, không cần phải xử lý thêm gì nữa. Chú ý hạn chế cho nước vào hồ tránh trường hợp nước quá nhiều làm loãng phân. Tùy vào lượng trùn có trong trại mà ta cho ăn đặc hay loãng, trùn nhiều thì cho ăn đặc 1 chút để trùn đủ thức ăn cho đến lần cho ăn tiếp theo (thường là 2-3 ngày sau), trùn ít thì cho ăn loãng hơn để tránh trường hợp trùn ăn ko hết sau 2-3 ngày phân bị khô trùn không ăn được nữa dẫn đến sót phân bò trong trại trùn làm ảnh hưởng đến chất lượng phân trùn quế sau này. Cho trùn ăn 1 thời gian, chúng ta sẽ cảm giác được khi nào thì nên cho ăn đặc, khi nào thì nên cho ăn loãng, độ đặc loãng như thế nào cho hợp lý theo từng thời gian cụ thể.

Ví dụ: Khi vừa thu hoạch trùn hoặc mới sang giống ra nuôi, lượng trùn trong trại thường ít, nên cho ăn loãng để đảm bảo 2-3 ngày sau trùn ăn hết. Càng nuôi về sau thì lượng trùn bắt đầu nhiều hơn nên ta tăng độ đặc của phân khi cho trùn ăn, đến những ngày gần thu hoạch trùn thì cho ăn đặc nhất vì lúc này lượng trùn trong trại là nhiều nhất.

Cách cho ăn:

Múc phân vào xe đẩy cho trùn ăn theo vệt như hình bên dưới, mỗi vệt cách nhau khoảng 1 gang tay.

















 4. Thu hoạch trùn:

Trùn mới sang giống ra nuôi thì thời gian thu hoạch là sau 2 tháng kể từ ngày sang giống, các lần thu hoạch tiếp theo cách nhau từ 30-45 ngày tùy vào kỹ thuật chăm sóc của người nuôi. Lượng trùn thu được trong 1 chu kỳ như vậy là từ 0.8-1 kg/m2 nếu trùn được chăm sóc đúng kỹ thuật.

Thu hoạch trùn bằng phương pháp nhử mồi. Dùng thức ăn cho trùn (là phân bò sữa pha loãng) tưới giống như cho ăn, trùn nghe mùi thức ăn sẽ gom lại ăn ngay chỗ ta tưới phân để ăn, ta hốt phần sinh khối này (bao gồm cả trùn và phân trùn) bỏ ra ngoài.

Chúng ta tách lấy trùn thịt riêng ra nhờ vào đặc điểm sợ ánh sáng của trùn, trùn gặp ánh sáng sẽ rút hết xuống dưới, cào lớp phân ra từ từ cho đến khi chỉ còn trùn (quấn lại với nhau thành cụm). Phần sinh khối sau khi tách riêng ra này chứa nhiều kén trứng chúng ta hốt bỏ vào trại để nuôi tiếp.

5. Thu hoạch phân trùn quế:

Sau khi nuôi được 1 thời gian, khoảng trên 4 tháng, khi cần thu hoạch phân hoặc khi trại nuôi đầy phân cần phải thu hoạch, chúng ta tiến hành thu hoạch phân trùn.

Trước khi thu hoạch phân trùn cần nhử trùn lên lớp mặt (giống như khi nhử để bắt trùn) để tránh trường hợp trùn phân tán trong phân khi ta thu hoạch phân làm hao hụt trùn. 

Cách thu hoạch phân trùn

Dùng cái xẻng gạt lớp sinh khối trên mặt qua 1 bên sau đó hốt phân trùn ra. Sau khi lấy hết phân trùn ta cào sinh khối cho bằng phẳng lại như lúc mới thả giống và nuôi lại bình thường. Thường người ta hay thu hoạch trùn trước rồi ngay sau đó thu hoạch phân luôn, như vậy sẽ hạn chế thất thoát trùn trong trại do trùn lẫn vào phân.

6. Sang giống: (giống sinh khối)

Chúng ta phát sinh nhu cầu sang giống khi cần lấy giống ra bán hoặc cần nhân ra thêm trại mới để mở rộng quy mô. 

Điều kiện:

--->Lượng trùn trong trại nhiều, có thể thu hoạch được như thu hoạch trùn để bán (1kg/m2), để đảm bảo giống sinh khối sang ra và giống trong trại giống sau khi sang giống không bị yếu, thực tế nếu trùn ít vẫn sang giống được nhưng giống sẽ yếu nuôi lâu hơn.

--->Lượng phân trong 1 trại lớn hơn 6 tấn. Thường sau khi đổ 3 tấn sinh khối vào nuôi sau 2 tháng trong trại sẽ được tổng cộng 6 tấn phân, lúc này có thể sang giống.

Cách sang giống:

Hốt đi 1 nửa trại (3 tấn sinh khối) ra ngoài để chuyển sang trại mới thả giống và nuôi như bình thường. Trại giống sau khi sang xong ta dùng cào để cào bằng phẳng lại và nuôi như khi mới thu hoạch trùn xong (mới thả giống xong). Lưu ý, sang giống không cần thiết phải nhử trùn.

---------------------KẾT THÚC----------------------

NẾU 1 NGÀY NÀO ĐÓ BẠN ĐẾN CỦ CHI VÌ CON TRÙN QUẾ, HÃY 1 LẦN GHÉ THĂM TRẠI TRÙN QUẾ CỦA CHÚNG TÔI. Ngoài ra nếu bạn có thắc mắc gì hãy gửi cho tôi ở phần bình luận bên dưới.